Search This Blog

July 20, 2011

Mail trả lời cho mọi người nè!

Gần đây tôi có nhận được mail và comment của một số bạn. Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn mọi người đã ủng hộ cho blog của tôi; kế đến là xin lỗi vì đã ko thể trả lời mail mọi người được. Không phải là tôi bận đến nỗi không mail cho bạn được, mà vì nhà tôi (ở dưới quê) không có nối mạng; và khi ở nhà ngoài viết báo cáo tốt nghiệp tôi còn hàng tá việc khác để làm; ngoài ra tôi cũng lười ra đường lắm. Bạn thông cảm cho tôi nha bạn.
Bài viết này tôi sẽ trả lời tất cả các câu hỏi mà tôi đã nhận được từ mọi người, và nếu câu trả lời của tôi vẫn chưa làm bạn hài lòng thì mail cho tôi biết nha. Bạn cứ yên tâm vì cuối tháng này tôi lên Sài Gòn lại rồi, phòng trọ của tôi có mạng và tôi sẽ mail trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.
1. Từ vựng học hoài không thuộc, khó nhớ ..vv và vv.. ?
Đây là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất. Khi học bất cứ ngôn ngữ nào thì cũng cần phải có từ vựng, vì nếu bạn giỏi ngữ pháp đến đâu mà lại nghèo nàn về từ vựng thì cũng bằng không. Không biết bạn học từ vựng như thế nào? Có phải bạn viết ra giấy cho đến khi nào thuộc từ mới thôi? Hay bạn viết lên note rồi dán lên tường? Bạn thấy có hiệu quả không? Hay bạn cũng viết đấy cũng thuộc đấy nhưng sau một thời gian ngắn thì lại quên mất là mình đã từng học từ đó?
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì bạn nên lựa chọn chủ đề mà bạn yêu thích hoặc bất cứ chủ đề nào khiến bạn thấy hấp dẫn để học từ, vì khi đó bạn sẽ dễ nhớ hơn so với việc học một cách miễn cưỡng. Ngoài ra khi học từ thì bạn nhớ học theo cụm đừng nên học từng từ riêng lẻ. Học theo cụm vừa giúp bạn sử dụng từ ngữ thành thục hơn, vừa giúp bạn nhớ từ lâu hơn.
Tôi ví dụ
to look back: quay lại nhìn, ngoái cổ lại nhìn
-->He is always looking back upon his past: Anh ta luôn nhìn lại quá khứ của mình
look forward to: mong đợi một cách hân hoan; trông chờ
--> I am looking forward to your visit: tôi mong chờ bạn đến thăm
Bạn đừng học look là gì, back là gì hay forward là gì bạn nhé! Học thế không hiệu quả đâu.
Bên cạnh đó khi học từ vựng thì bạn nên liên tưởng đến hình ảnh, âm thanh và các giác quan khác để kết nối từ ngữ. Ý tôi là sử dụng trí tưởng tượng của bạn để học từ, đừng học một cách khô khan theo sách vở; hãy để trí óc của bạn tự do bay bỗng. Tôi thấy cách này rất là hiệu quả bạn thử xem.
Ví dụ:
Forehead: cái trán; Nose: cái mũi;
Dog: con chó; Cat: con mèo; Butterfly: con bướm
Bạn nên đứng trước gương để chỉ đâu là forehead đâu là nose thì sẽ dễ học hơn so với việc bạn lẩm nhẩm forehead – trán; nose – mũi... Bạn coi chừng lẩm nhẩm một hồi thì forehead là cái mũi còn nose thành con mèo luôn đó.
Nếu bạn cho rằng cách đó chỉ có con nít mới học thì bạn đúng rồi, con nít học ngoại ngữ giỏi hơn người lớn chúng ta cũng vì thế. Sự thật lúc nào cũng đau lòng, haizz
2. Ngữ pháp (NP) khó học, khó hiểu, dễ nhầm lẫn?
Câu hỏi này tôi chỉ có thể trả lời bạn theo hiểu biết của tôi thôi, vì tôi cũng gặp không ít khó khăn với nó (đến giờ vẫn còn). NP thì bạn biết rồi ngoài các thì ra thì còn có rất nhiều cấu trúc NP khác nhau. Hay thậm chí là cùng một thể loại lại có đến 2, 3 cấu trúc khác nhau dễ khiến bạn nhầm lẫn (mệnh đề if , so sánh hơn, so sánh bằng,...).
Tôi học NP bằng cách luyện phim bạn tin không? vì tôi khá lười (khá thôi chứ không phải là lười hết thuốc chữa đâu he he) nên tôi chọn cho mình cách học vừa hiệu quả, vừa đáp ứng cái sự lười của tôi là xem phim, nghe nhạc, đọc sách/báo, chat (túm lại là thể loại giải trí ^^). Ngoài ra khi học NP chúng ta nên học ý nghĩa của loại NP đó (NP đó, cấu trúc đó nói cái gì), học theo ví dụ cụ thể. Đừng nên học theo kiểu blah blah blah công thức 1 gồm: A+B+C+D, công thức 2 gồm: C+B+D+A ,... vừa khó nhớ lại dễ nhầm nữa.
Ví dụ:
He is as old as you: Anh ta bằng tuổi anh
You can take as much as you like: Bạn thích bao nhiêu thì có thể lấy bấy nhiêu (cỡ chừng ấy,..)
Nhìn chung tôi có thể tự nhận xét cách học của mình như sau: cái gì gây ấn tượng với tôi thì tôi nhớ rất dai. Thế nên ngoài việc lôi cuốn sách NP ra ôn thì tôi củng cố thêm bằng cách xem phim, đọc sách bằng tiếng anh (đa phần là xem phim hơn là học trong sách) vì như thế thì tôi có nhiều ví dụ cụ thể để nhớ hơn; có thể nói là một mũi tên bắn trúng ba con nhạn luôn đó: con thứ nhất là học được cấu trúc NP một cách dễ dàng, con thứ hai là từ vựng, con thứ 3 là kỹ năng nghe và đánh dấu trọng âm. Lại còn nhớ dai hơn so với cách học kia nữa. Nhất là khi nói chuyện với người nước ngoài thì mình có thể sử dụng NP thành thục, từ ngữ chính xác và phát âm thì rất là ổn. (Tôi nghĩ là bắn được tới 5, 6 con nhạn lận)
Nếu bạn không thích xem phim thì bạn có thể tìm các video dạy ngữ pháp trên mạng vừa nhanh, vừa đúng cái bạn cần tìm. Bạn nhớ siêng năng học nhe bạn đừng có lười như tôi; nhớ đó siêng năng, siêng năng, siêng năng.
À quên nhắc bạn nếu có xem phim thì nên lựa phim nào có nhiều lời thoại để xem. Nếu bạn xem phim để giải trí thì OK, nhưng nếu mục đích là luyện nghe và học NP như tôi mà bạn lại chọn phim hành động xem hết 2, 3 tiếng đồng hồ mà chỉ có mấy câu thoại thì ko nên nhe bạn.
3.Nghe hoài mà vẫn như vịt nghe sấm?
Bạn luyện nghe như thế nào, luyện bao lâu rồi, có luyện thường xuyên không?
Bạn đừng vội nản chí, cái gì cũng phải từ từ mới được. Tôi phải mất cả năm trời để luyện nghe đấy bạn ạ, mới đây tôi học được một bí quyết luyện nghe (thật ra tôi chưa thử vì tôi đã than vãn với bạn rồi đó, tôi phải tạm hoãn việc học tiếng anh lại để tập trung cho tốt nghiệp). Bí quyết này tôi sẽ giới thiệu cụ thể hơn vào entry sau vì nó khá dài. Bạn nhớ theo dõi nhe!
Thêm một vấn đề nữa là bạn phải nghe thật nhiều, thật thường xuyên chứ đừng có 3 tháng mới luyện nghe một lần thì bảo sao mà nghe hoài mà vẫn như vịt nghe sấm thì đúng rồi.
4. Không có động lực để quyết tâm, dễ nản chí?
Cái này hơi khó trả lời vì hầu như là ai cũng vậy, tôi cũng thế không hơn gì bạn đâu. Nhưng tin vui là tôi đã tìm được động lực cho mình rồi và tôi hy vọng bạn cũng sẽ mau chóng tìm được. Điều này phụ thuộc vào bản thân bạn rất nhiều.
Bạn phải có một mục tiêu cụ thể để vươn tới không có mục tiêu bạn sẽ không biết mình học vì cái gì.
Bạn nên đặt ra cho bản thân những mục tiêu ngắn hạn như trong vòng 1 tháng bạn có thể hát một bài hát tiếng anh chẳng hạn; rồi mục tiêu dài hạn như sau 3 tháng thì bạn có thể hát tới 10 bài tiếng anh hay xem một bộ phim mà ko cần mở phụ đề. . .
Tự thưởng cho mình sau khi đạt được những mục tiêu mà bạn đã đề ra.
Còn khi đã có mục tiêu rồi mà vẫn nản chí thì bạn phải bằng mọi giá tìm mọi cách để ko được bỏ cuộc. Những lúc tôi thấy mệt mỏi và chán thì tôi hay đọc sách của Adam Khoo, Thế Lữ, Dương Thụy, . . . . Và nếu bạn đã tìm mọi cách vực dậy ý chí mà vẫn không được thì tôi xin trả lời bạn rằng đó là vì mục tiêu của bạn không đủ sức thuyết phục; quyết tâm của bạn chưa đủ mạnh.
5. Không biết mình dở kỹ năng nào vì hình như kỹ năng nào cũng dở? 
Sao bạn không tự làm một bài kiểm tra đầy đủ cả 4 kỹ năng và tự nhận xét xem mình còn yếu kỹ năng nào. (nhớ là phải chấm công bằng nhe bạn)
Bạn có thể tìm và download các đề thi trên mạng; còn trình độ nào thì tùy bạn chọn.
6. Có quá nhiều thứ để học nên không biết bắt đầu từ đâu?
Thật ra câu hỏi này tôi cũng không biết trả lời bạn như thế nào cho hợp lí nữa. Tôi nghĩ bạn nên tự kiểm tra trình độ trước thì khi đó bạn sẽ biết mình nên bắt đầu từ đâu.
Và như ai ai cũng nói thì nên đi từ dễ trước đến khó sau. Khi bạn đã xác định được nơi mình bắt đầu thì bạn phải nắm thật kỹ những gì bạn sắp học. Đừng để học trước  quên sau và thế là cứ học đi học lại mà vẫn dậm chân tại chỗ.
 KHÔNG CÓ VIỆC GÌ KHÓ CHỈ SỢ LÒNG KHÔNG BỀN
Điều quan trọng là bạn có vượt qua được bản thân mình hay không mà thôi!
Chúc bạn học tốt!